Wednesday, February 3, 2016

Nhật ký phục hồi (3) - Phẫu thuật tái tạo ACL và những ngày nằm viện - ACL recovery diary Week 1

(My ACL reconstruction stories and post op progress - English translation will be updated soon in a separated post) 

Xin chào, Phương đã trở về sau một kỳ nghỉ dưỡng 6 ngày. Trước sau tinh thần vẫn vui như Tết, có cái là trước thì đi lại bình thường, tự phục vụ bản thân; sau thì đi nạng lò cò một chân và làm khổ mẹ Ninh phải hầu con gái một số việc sinh hoạt đơn giản. Bị cảm động vì ngày nào cũng nhận được bao nhiêu lời động viên hỏi thăm "Cháu có ăn được gì không", "Có ngủ được giường bệnh viện không con". Trộm vía, đi viện về mặt tròn xoay vì cơm Quân Đội cho Nhân Dân ngon lành quá, chưa kể bao nhiêu quà bánh mà người nhà với các bạn tiếp viện hàng ngày. giường thì hơi cứng nhưng ngủ ngon thì tuyệt vời. Sau kỳ này tự tôi đúc kết được những đức tính sau này nhất định phải dạy con: lạc quan và dễ tính.

Trong loạt bài viết này, hành trình tập luyện phục hồi để quay lại với cuộc sống ưa hoạt động chính là phần chủ đạo. Ngoải ra, tôi cũng sẽ chia sẻ trải nghiệm cá nhân về việc tư nghiên cứu bệnh tình/chấn thương của bản thân - một điều rất cần cho bất kỳ ai muốn chuẩn bị tâm lý tốt trước khi điều trị. 

Thứ 4 ngày 27/1/2016 - Nhập viện với băng-đô da cam 

Khung cảnh yên bình với cây cối um tùm và những hành lang quét vôi vàng rất Hà Nội của Khoa Phẫu Thuật Khớp B1-C - Viện Chấn Thương Chỉnh Hình - Bệnh Viện Quân Đội 108. 

- 9h30: tôi đóng tiền nhập viện rồi lên Khoa nhận quân trang (đồng phục bệnh viện) và đồ dùng cá nhân, chuẩn bị check-in vào căn phòng mới. Tôi mặc quân trang đeo head-band da cam chấm đen lang thang nhâng nháo trong viện, mẹ mắng: đi viện chứ có phải đi diễn thời trang đâu! Mẹ với cậu càng theo sát hỗ trợ, tôi càng phải chứng tỏ mình độc lập để mọi người đỡ lo.


- 10h30: Tôi đi chụp cộng hưởng từ MRI lần thứ hai đầu gối phải, tiện thể chụp luôn cả gối trái do lo lắng gối trái không ổn 100% sau một thời gian chịu tải hộ chân phải. Đúng như dự đoán, gối trái tổn thương nhẹ. 
- 11h30: Cả nhà đưa tôi trốn viện đi ăn trưa cùng những người bạn thân thiết, cậu Thiệp tôi đùa đây là bữa "Ăn chân Phương". Mẹ vẫn như thường lệ, lo lắng cho tôi rồi lại dọa sau này không có nhẩy nhót gì hết. Tôi biết mẹ nói vậy thôi nhưng lúc nào cũng tôn trọng đam mê của con gái. 
- Tối đó tôi ngủ một mình tại bệnh viện, một mình một phòng với bốn giường trống xung quanh. Trời rét căm căm, phải đắp hai lớp chăn mới đủ ấm. Ban đầu tôi nghĩ mình sẽ sợ ma phát khiếp nhưng cuối cùng cơn buồn ngủ cũng ập đến đúng giờ giấc Quân Đội và tôi chẳng sợ ma tí tẹo nào cả. 

Thứ năm ngày ngày 28/1/2016 - "cười rú lên khi nhìn thấy màn hình nội soi" - trích lời bác sĩ

6h sáng tôi đã được dựng dậy để cặp nhiệt độ, đo huyết áp, tắm rửa và gắn thẻ vào cổ tay với thông tin: họ tên, số phòng, khoa, tên ca mổ. 7h sáng mẹ lên viện, chạy đi mấy việc và dặn tôi như trẻ lên ba: khi nào con đi đâu nhớ gọi điện báo mẹ biết đấy. Thế rồi mấy phút sau chị y tá đã vào phòng gọi "Phương, đi mổ thôi!". Thế là cô gái cầm theo điện thoại, háo hức cùng một chú phòng bên cạnh cùng đi mổ ca sáng, gọi nhau ý ới. Tôi chỉ kịp đưa điện thoại cho cậu Thiệp, rồi lần đầu đầu tiên trong đời "được" (bắt buộc) ngồi lên xe lăn, cậu đẩy tôi theo chị y tá đến khu phẫu thuật.


Cậu bảo cậu thì gìa mà phải đẩy cháu thế này. Thế rồi ông già 55 với đứa người lớn 27 - bản chất vẫn là hai đứa con nít - đẩy xe lăn phong tốc độ cao trong hành lang bệnh viện giả vờ đâm vào mọi người rồi cười rú lên. Đến đoạn xuống một cái dốc dài trước cửa khu phẫu thuật, thay vì quay ngược xe đi từ từ xuống dốc, cậu cứ thể cho cháu đổ đèo tự do trong sự bàng hoàng của các anh bộ đội canh gác, chị y tá và các bệnh nhân đi mổ cùng lol.

Phương được đưa vào phòng chờ cùng ba cô chú lớn tuổi và một em bé. Mọi người cùng nhau trò chuyện hỏi han bệnh tình của nhau rồi lần lượt được đưa vào các phòng mổ.

9h kém, cho đến giờ phút nằm lên màn mổ, mũi cắm ông thở oxy, hai tay giang sang hai bên như chúa Jesus bị đóng đinh, không được nhúc nhích, một bên cắm ống truyền, một bên đo huyết áp - Tôi chỉ hơi hồi hộp chứ tuyệt nhiên không hề SỢ. Có thể chấn thương của tôi không quá phức tạp, độ rủi ro không cao, có thể vì đã tự chuẩn bị tâm lý và kiến thức cho bản thân nửa năm trời, và quan trọng nhất là một niềm tin tưởng tuyệt đối với bác sĩ mổ chính và ekip hôm đó. Chú Dũng, phó khoa Phẫu Thuật Khớp. là người tôi tin tưởng không chút do dự từ lần đầu tiên tiếp xúc. Chú am hiểu các chuyển động đặc thù của vận động viên từng bộ môn, và may may mắn thay - cả "vũ ba-lê". Chú rất vui tính và khen tôi "cô này, tôi nói đến đâu biết đến đấy" khi chú giải thích về cơ chế phẫu thuật dây chằng.

Tôi cởi bỏ hết quần áo và được đắp bằng khăn và một miếng "giấy bạc" rất to, các anh bác sĩ nói đùa tôi là con cá nướng giấy bạc. Không khí vui vẻ cứ kéo dài từ lúc bước vào mổ đến suốt 45 phút sau đó. Khó chịu nhất là khi được tiêm thuốc tê vào gần cột sống. Rất nhanh chóng tôi mất hoàn toàn cảm giác chi dưới bên phải. Trước mặt tôi phủ một tấm vải xanh nên tuyệt nhiên tôi không biết các bác sĩ làm gì. Chỉ khi màn hình nội soi hiện rõ tất cả các chi tiết gân cơ trong đầu gối, tôi mới "cười ré lên khi nhìn thấy đầu gối mình" - "A ĐẦU GỐI!" làm mọi người cũng cười theo.

Trong quá trình mổ bác sĩ vẫn trao đổi với tôi các vấn đề rất cụ thể và dễ hiểu: hình nội soi cho thấy dây chẳng không đứt nhưng giãn nhiều, và sẽ được gia cố lại bằng một đoạn gân hamstring chập đôi. Chú đùa: Đúng là điên, tập làm gì, ăn với ngủ thôi, đừng tập nữa, dây chẳng hơi giãn vẫn đi bộ được. Dù biết là đùa thôi nhưng lúc ấy tôi chỉ có một suy nghĩ: Nhất định mình phải quay lại, dù sau này có không nhẩy múa nhiều thì cũng sẽ phải chạy, phải chơi thể thao; nhất định mình sẽ không bao giờ ngồi một chỗ.

                                      Sáng đầu tiên sau mổ

Kể ra lại bảo ghê rợn, chân hoàn toàn không có chút cảm giác vì thuốc tê quá tuyệt vời, nhưng vẫn biết khi bác sĩ đóng vít vào chân cộp cộp cộp, kéo chân rung cả người. Tôi chỉ biết cuộc mổ đã kết thúc khi bác si thông báo sẽ khâu đẹp để em còn đi nhẩy lol, và mọi người bắt đầu dọn dẹp thiết bị.

Tôi được đưa ra phòng chờ, nằm trên cáng, truyền nước, người vẫn run bần bật dù rất ấm do tác dụng của thuốc. Tôi nhanh chóng được gặp lại các "bạn mổ" vào cũng lúc với mình. Khoảng nửa tiếng sau tôi được trả về khoa, bàn chân lúc đó bắt đầu hơi nhúc nhích được. Đón tôi ở thang máy là anh Sáu điều dưỡng, anh Minh và Tristan, Tristan bảo tôi hãy chạy xuống nhẩy ngay một bài. Tôi cứ thế cười tươi như hoa khi được chở về phòng, gặp mẹ và cậu.

Nguyên một ngày tôi phải nằm bất động để tránh đau đầu. Không được ăn gì khác ngoài cháo và nước lọc. Các bạn lại đến thăm, tôi vẫn tươi rói ríu rít trò chuyện với mọi người, cho đến khi thuốc tê hoàn toàn hết tác dụng. Cả đời tôi chưa bao giờ đau như thế, như có một nghìn hòn đá đè xuống chân, tôi đau quá không nghỉ ngơi được mà cũng không dám hé răng than vãn câu nào, cả người gồng cứng và muốn khóc lắm. Mẹ và các anh đi mua nẹp gối và một số đồ dụng để vệ sinh. Lần đầu tiên tôi cảm giác mình là một người bệnh thực sự: yếu ớt, không lành lặn.

Đầu giờ chiều em Liên điều dưỡng mang thuốc giảm đau tới. như một phép màu. Tôi mang nẹp và bắt đầu ngủ. Đang lơ mơ tôi bị giật mình, chân tự giật lên như thường lệ, đau đến nỗi tôi kêu Á lên rồi lại thiếp đi. Đêm ấy việc ngủ và đi vệ sinh thật kinh khủng. Tôi chỉ được nằm thẳng duỗi chân vì quay bên nào cũng đau, tay trái vướng kim truyền nước. Thế rồi đêm đầu tiên ấy cũng qua, tôi biết mình sẽ tiếp tục chiến đấu và chẳng mấy chốc, tôi sẽ bay nhẩy như đúng những lời chúc mà người thân yêu dành tặng.

Những ngày sau mổ - Ăn nhiều, ngủ kỹ, được chiều, hạnh phúc 

Những ngày sau mổ - tuy vất vả nhiều - nhưng là mọt khoảng thời gian hạnh phúc. Hạnh phúc vì xung quanh tôi có biết bao nhiêu sự quan tâm từ gia đình, bè bạn. Mọi người nhào vào trông nom và thăm tôi bất kỳ khi nào có thể. Mẹ và các cậu chạy ngược chạy xuôi, các bạn trước khi vào hôm nào cũng hỏi mày muốn ăn gì tao mang cho, anh bạn nam hôm nào cũng tạt vào dù bận trăm công nghìn việc, ông em họ mang máy tính vào bật TV online cho chị xem thời sự....Càng được chiều chuộng tôi càng cố gắng tự làm những việc đơn giản và tuyệt đối không nhõng nhẽo. Mọi người nói tôi dũng cảm, nghị lực, nhưng thiệt tình không có gì đáng chán hơn là phục vụ một bệnh nhân bi quan thiểu não.

Đi nạng rất khó lúc ban đầu những chẳng mấy chốc mà quen, những buổi chiều nhàn rỗi, hai chị em cùng đi bộ dọc hành lang bệnh viện. 

Rehabilitation - phục hồi chức năng cực kỳ quan trọng. Ca mổ dù thành công đến đâu mà chân không được phục hồi tốt, dây chằng vẫn có nguy cơ giãn hoặc tái chấn thương. Chính vì vậy, thay vì nằm bất động nhiều ngày như suy nghĩ của nhiều người, các ca mổ dây chằng, sụn chêm, thay khớp gối, khớp háng, các bệnh nhân bắt buộc phải khởi động chân từ nhẹ đến nặng theo timeline định sẵn. Nếu không chịu khó tập luyện, bệnh nhân dễ bị cứng khớp hay yếu cơ.


Đôi chân chạy trong những ngày phải nằm

29/1: Bác sĩ Dũng bảo tôi nâng chân, tôi đau quá và không thể nhấc nổi chân dù một milimet. Bài tập hàng ngày tôi vẫn thực hành và dạy học sinh trở nên khó ngoài sức tưởng tượng. Cơ đùi bên trái gồng lên rất rõ nhưng chân phải gồng mãi mà chưa thấy đâu. Chú nâng đề pa cho tôi cái đầu tiên và bắt tôi giữ 10 giây. Và vậy là đến cái thứ 2, thứ 3, tôi tự nâng chân cao mà lòng tràn trề hạnh phúc.
30/1: Tôi tập gồng cơ đùi và gấp duỗi đầu gối thụ động (knee flexion - passive knee flexed) và chú trọng tập duỗi thẳng chân (extension) vì trong những tuần đầu tiên, lấy lại độ duỗi quan trọng hơn lấy lại độ gập gối (có thể làm căng giãn mảnh ghép mới). Dù chân đau nhưng ngày nào tôi cũng tập bụng và tập tay đôi chút.
31/1: Bắt đầu quen hơn với việc đi nạng, đeo tai nghe nhẩy múa tưng bừng phần trên và thỉnh thoảng ra hành lang dạo mát, quan sát hai anh tuyển thủ đội tuyển bóng đá quốc gia chống nạng đi dạo như mình (cùng chấn thương mổ ACL)
1/2: Gần Tết có quà! Bác sĩ Dũng giới thiệu cho hai mẹ con một địa chỉ phân phối các loại nẹp gối thể thao - Sport brace - thứ xa xỉ ở Việt Nam vì tìm đỏ con mắt không thấy đâu nhưng lại rất sẵn ở nước ngoài. Buổi chiều mỗi lúc mẹ về nhà mình lại chống nạng ra hành lang ngồi, vặn vẹo ép dẻo nghe nhạc, không quên đeo nẹp trợ lực bên chân lành vì trong tuần đầu tiên hoàn toàn không nên tì lực vào chân yếu.
2/2: Ra viện. Trước khi về anh hậu vệ Văn Biển còn trêu em có một chân thế này thì múa làm sao. Sau sáu ngày chiến đấu Phương được về nhà đón Tết, bắt đầu một hành trình mới cực kỳ thách thức.


Tôi biết ơn Chú Dũng, chú Dương, anh Tuấn, anh Sáu, em Liên, chị Linh, tất cả các bác sĩ, các anh chị điều dưỡng tôi chưa kịp nhớ tên, các chị dọn vệ sinh, những đầu bếp của bệnh viện đã cho tôi một trải nghiệm nhớ mãi. Tôi muốn cảm ơn gia đình, đặc biệt là mẹ Ninh xù, tất cả những người thân yêu, bạn bè, từng tin nhắn động viên tôi nhận được trong suốt tuần vừa qua, có những người tôi chưa bao giờ gặp, chưa bao giờ nói chuyện. Tôi ước mong sự lạc quan và yêu đời sẽ luôn được lan truyền đến mọi người, chúc mọi người ăn Tết nhiều sức khỏe và bình an.


HHP - 4/2/2016 

1 comment:

  1. Cảm ơn bạn vì bài viết, mình phẫu thuật cũng gần 6 tuần và đang tập vật lý trị liệu. Mình cũng khá giống bạn lúc đầu bài viết (lạc quan và dễ tính). Mong bạn phục hồi tốt và quay lại với đam mê của mình. ^^

    ReplyDelete